Học thiết kế từ con số 0, mình đã chuẩn bị những gì?
Khi mới bắt đầu học thiết kế, mình không có nền tảng gì sẵn. Mọi thứ đều rất mơ hồ. Nhưng thay vì chỉ học từng kỹ năng riêng lẻ, mình cố gắng xây cho bản thân một “đường ray” để đi dài hơi. Dưới đây là vài điều mình đã làm, không phải lời khuyên, chỉ là những điều đã có ích với mình.
1. Mình nghĩ đến một mục tiêu dài hạn, không chỉ ngắn hạn.
Thay vì những mục tiêu ngắn hạn như hoàn thành một khóa học hoặc thực tập ở một công ty, mình đã cố gắng tập trung vào những mục tiêu xa hơn, những mục tiêu có thể dẫn dắt mình đi trên con đường phát triển của bản thân.
Từ những hình dung đó, mình biết cần rèn dũa những gì, mình còn thiếu gì, và dần dần chọn hướng học và điều chỉnh nó sao phù hợp với bản thân mình nhất.
2. Mình cố gắng thu hẹp mục tiêu càng sớm càng tốt.
Ban đầu, đúng là mình có thử nhiều thứ: minh hoạ, UI, branding, motion… Nhưng càng thử nhiều, mình càng thấy nếu không dừng lại ở một hướng cụ thể thì rất dễ mất phương hướng.
Mình nghĩ giống như chọn hoa cắm vào lọ: không cần bông đẹp nhất, mà là bông hợp nhất với cái bình mình đang có. Việc chọn đúng một hướng học cũng vậy, để mình đầu tư đúng chỗ, thay vì rải đều rồi chẳng nơi nào tới nơi tới chốn.
3. Mình chia sẻ quá trình học trên mạng xã hội.
Mình không chờ đến khi làm đẹp mới dám đăng. Có những bài post rất đơn giản, chỉ là mình đang học gì, vẽ cái gì, đang thấy bế tắc hay vui vì hiểu ra điều gì đó.
Dần dần, những chia sẻ này giúp mình có một “dòng thời gian” nhìn lại sự tiến bộ, và đôi khi còn kết nối được với những người cũng đang đi con đường giống mình.
4. Mình bắt đầu làm portfolio từ rất sớm.
Không phải để show cho ai cả, mà như một cách để mình tự xem lại mình. Những gì mình chọn đưa vào portfolio cũng nói lên mình đang học gì, quan tâm điều gì, đang muốn đi tới đâu.
Sau này nhìn lại, mình thấy chính việc làm portfolio từ sớm giúp mình rõ ràng hơn trong lựa chọn và định hướng.
5. Mình tham gia vài cộng đồng và lặng lẽ đọc.
Không phải cộng đồng nào cũng dễ chịu, nhưng có những nơi mình học được rất nhiều, chỉ bằng cách quan sát người khác chia sẻ, đặt câu hỏi và phản hồi.
Mình cũng follow một số anh chị đi trước trong ngành. Không để so sánh, mà để thấy được cách họ tư duy, họ học, và họ xử lý tình huống thực tế.
6. Mình nhận làm cả những dự án nhỏ - để thực hành
Có khi chỉ là làm bài tập đẹp hơn một chút, hoặc giúp bạn chỉnh một vài slide. Có khi là một brief freelance nhỏ xíu, hoặc bài thi tuyển. Những việc nhỏ này cho mình cơ hội tiếp xúc với deadline, với việc nghe feedback, với việc thật sự phải giải quyết một đề bài cụ thể.
7. Mình xin làm ở những nơi nhỏ, để học được nhiều hơn.
Ở những công ty nhỏ, mình được làm nhiều vai trò, nhìn thấy toàn bộ một quy trình. Mình có thể không giỏi hết, nhưng ít nhất mình hiểu mình phù hợp với đoạn nào.
Và quan trọng là mình học được cách làm việc cùng người khác, điều mà sách vở hay khóa học nào cũng khó dạy.
Tất cả những điều trên, mình không làm theo một lộ trình hoàn hảo nào cả. Chỉ là đi từng bước, và thỉnh thoảng quay đầu nhìn lại, tự hỏi: mình đang đi có đúng với điều mình mong muốn không?