Mình cần chia sẻ với ít nhất một người

Gần đây, mình chợt nhận ra rằng, chúng ta ai rồi cũng cần ít nhất một người để thật sự chia sẻ. Không phải kiểu xã giao, hỏi thăm thông thường, mà còn là những cuộc trò chuyện đủ sâu để nói về hướng đi, về những điều mình đang mông lung, những thứ đang âm ỉ bên trong mà chưa gọi thành tên được.

Có lẽ không phải lúc nào cũng cần lời khuyên cụ thể. Nhưng việc có một ai đó ngồi xuống, cùng mình mở từng lớp vấn đề, đôi khi đã đủ giúp mình nhẹ đầu hơn rất nhiều.

1. Thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của suy nghĩ một chiều

Mình từng đắm mình trong những dòng suy nghĩ như bơi trong sông lười ở công viên nước, trôi đều đều, không dừng lại, không cần nỗ lực gì cả. Lúc đó thật ra rất thoải mái. Nhưng lâu dần, mình bắt đầu thấy bế tắc.

Mọi thứ cứ trôi đi mà không có điểm đến, mình cứ nghĩ hoài một điều mà không thật sự nhìn sâu vào nó. Mãi đến khi mình chịu mở lời với ai đó, dù chỉ để kể vu vơ, mình mới thấy: “À, thì ra mình đã mắc kẹt lâu đến vậy.”

Người kia không cần phải là chuyên gia hay người giải quyết được vấn đề, chỉ cần họ có mặt, như một trạm dừng nhỏ để mình ngơi nghỉ, xoay người nhìn lại.


2. Một lăng kính mới, một câu chuyện mới

Cùng một vấn đề, nếu có người khác kể lại, câu chuyện bỗng trở nên rất khác. Không phải vì nội dung đổi thay, mà là vì cách nhìn của họ khác với mình.

Mình vẫn luôn nghĩ cuộc sống phần nhiều được định hình bởi cách mình kể lại nó. Khi nói chuyện với người khác, nhất là người có trải nghiệm thật khác mình, mình thường thấy được những góc nhìn mới mẻ mà trước đó mình không nghĩ tới.

Có khi một câu họ nói vu vơ, lại khiến mình bật ra hướng suy nghĩ hoàn toàn mới.


3. Những phản hồi đôi khi không dễ chịu, nhưng rất cần thiết

Mình hiểu cảm giác ngại bị nhận xét, bị đánh giá. Nhưng rồi mình cũng học được cách chọn lọc và đón nhận. Không phải ai nói gì cũng đúng, nhưng đôi khi một nhận xét đúng lúc, đúng cách, lại trở thành bàn đạp giúp mình tiến lên.

Phản hồi không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng. Nhưng nếu nó khiến mình muốn hiểu thêm về mình, muốn làm tốt hơn, có lẽ đó là một phản hồi đáng giữ lại.

Còn nếu nó khiến mình co lại, thấy bản thân “tệ hại”, thì có thể đó là lúc cần đặt lại ranh giới.


4. Một lời gợi ý nhỏ cũng có thể dẫn mình sang hướng hoàn toàn khác

Mình từng nghĩ bản thân có thể “tự vận hành”, tự thúc đẩy mình đi xa. Nhưng nhìn lại, hầu hết những thay đổi lớn trong mình đều bắt nguồn từ một lời rủ rê, một đề xuất tình cờ.

Nếu Phong không gợi ý, có lẽ mình sẽ chẳng biết ngành thiết kế đồ hoạ là gì. Nếu anh Tuấn không nhắn, chắc mình cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc viết blog. Nếu không ai tag vào một cái challenge, mình có thể sẽ chẳng thu podcast bao giờ.

Hoá ra cảm hứng không phải lúc nào cũng đến từ bên trong. Nhiều khi, chỉ cần trò chuyện cởi mở, sẵn sàng đón nhận, thì cảm hứng bên ngoài cũng có thể bước vào.

Vậy nên, nếu có thể, mình nghĩ chúng ta đều xứng đáng có ít nhất một người để trò chuyện thật lòng. Không phải để xin lời giải, mà để soi rọi lại chính mình, một cách dịu dàng.

Previous
Previous

Sự khác biệt giữa “Illustration for Animation & Motion” và Illustration thông thường

Next
Next

Học thiết kế từ con số 0, mình đã chuẩn bị những gì?