Một góc nhỏ để làm việc và thở
Góc làm việc của mình bắt đầu rất đơn giản: một chiếc bàn cũ, laptop, và một cái ghế lượm lại từ phòng khác. Lúc đó mình chỉ nghĩ “miễn có chỗ ngồi là được”. Nhưng càng làm việc nhiều ở nhà, mình càng thấy: góc làm việc không chỉ là chỗ để ngồi làm việc, mà là thứ giữ mình đi đúng nhịp – cả trong công việc lẫn tâm lý.
1. Góc làm việc là công cụ giúp tạo ranh giới giữa “nhà” và “việc”
Mình từng làm việc vắt từ ghế sofa sang giường ngủ, và cứ thế trượt dài trong trạng thái mơ hồ: không thật sự làm, cũng không thật sự nghỉ. Từ lúc có một góc làm việc cố định, não mình hiểu: ngồi vào đây là làm, đứng dậy là nghỉ. Ranh giới đó nghe nhỏ, nhưng giữ mình tỉnh táo và giảm cảm giác “không làm gì mà vẫn mệt” một cách rõ rệt.
2. Đừng tối giản quá mức nếu bạn là người cần cảm hứng
Mình từng thử set-up kiểu “càng ít càng tốt”, bàn trắng trơn, không treo gì cả. Được vài hôm là tụt mood. Sau đó mình tự hỏi: “Sao mình không cho phép không gian làm việc được thể hiện cá tính của mình?”. Thế là mình thêm tranh, một tấm thiệp cũ, lọ hoa khô, vài cuốn sách lộn xộn – mọi thứ không còn gọn gàng tuyệt đối, nhưng lại khiến mình có cảm giác gần gũi, có chất sống, và dễ vào tâm trạng làm việc hơn.
3. Ánh sáng và ghế ngồi là hai thứ nên ưu tiên đầu tiên
Mình không đầu tư quá nhiều vào thiết bị công nghệ, nhưng riêng ánh sáng và ghế thì mình không tiếc. Ánh sáng tốt là thứ giúp mình tỉnh táo, không bị lờ đờ sau vài tiếng ngồi làm. Mình dùng loại đèn daylight có thể điều chỉnh độ sáng, không xanh quá cũng không vàng quá. Nếu bàn làm việc gần cửa sổ, thì nên để lệch một chút, tránh ngồi sát hẳn vào vì nắng chiếu thẳng vào cả buổi thật sự rất mệt và dễ bốc hoả, dù view có đẹp tới đâu.
Về ghế, nếu có điều kiện thì đầu tư một chiếc ghế công thái học tốt là điều rất đáng. Còn nếu không, chỉ cần một chiếc ghế đủ chắc, lưng tựa không quá thấp, ngồi lâu không bị chúi người là đã đủ dùng. Quan trọng là mình chịu để ý tư thế ngồi và chịu đứng dậy mỗi vài tiếng để giãn cơ.
Một điểm mình rút ra là: nếu không gian khiến mình muốn ngồi vào và không muốn đứng dậy ngay sau 10 phút, thì đó là tín hiệu ổn để bắt đầu một ngày làm việc
4. Một góc làm việc tốt sẽ giữ cho thói quen không bị gãy
Góc làm việc không giúp mình sáng tạo hơn ngay lập tức, nhưng nó giúp mình ngồi vào bàn đều đặn mỗi ngày, và chính sự đều đặn đó mới là thứ giữ nhịp cho những ngày không có hứng.
Có những ngày mình không làm được gì, nhưng vẫn mở máy, lau bàn, rót nước, dọn lại vài thứ, như một cách nhắc nhở rằng: mình vẫn đang ở đây, vẫn tiếp tục, dù hôm nay có hơi chậm.
Giờ thì mình cố giữ laptop chỉ nằm ở bàn làm việc. Những nơi khác là để ăn, ngủ, thư giãn. Nghe lý thuyết vậy chứ thực hành khó lắm, nhưng một khi giữ được, đầu óc ổn định hơn hẳn.